Trong phần trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu Google Analytics là gì? Hôm nay mình sẽ hướng dẫn cài đặt Google Analytics cho các bạn mới lần đầu tìm hiểu về lĩnh vực này. Đây là bài thứ 2 trong chuỗi bài Hướng dẫn Google Analytics.
Google Analytics toàn tập (P1) – Google Analytics là gì?
Bước 1: Đăng ký tài khoản Google
Đầu tiên bạn cần có một tài khoản Google. Việc sở hữu tài khoản Google sẽ giúp bạn tận hưởng rất nhiều tính năng và tiện ích mà Google cung cấp miễn phí. Ví dụ như hòm thư điện tử Gmail, Youtube… và tất nhiên cả Google Analytics nữa. Nếu chưa có hãy đăng ký ở đây:
https://accounts.google.com/signup
Việc đăng ký tài khoản Google là hoàn toàn đơn giản và miễn phí. Bạn hãy làm theo từng bước là được.
Bước 2: Tạo tài khoản Google Analytics
Sau khi có tài khoản Google, hãy đăng nhập vào Google Analytics bằng tài khoản bạn vừa tạo:
Sau khi đăng nhập, bạn sẽ được đưa tới trang chủ của Google Analytics. Hãy nhấn nút “Set up for free”

Tên tài khoản
Tiếp theo, bạn sẽ được đưa đến phần Tạo tài khoản. Phần “Tên tài khoản” bạn có thể điền bất cứ tên gì bạn thích. Trong mỗi tài khoản Google Analytics bạn có thể thêm nhiều website cũng như ứng dụng của bạn.
Vì vậy trong trường hợp bạn muốn tạo một tài khoản cho những website của công ty bạn, hãy sử dụng tên công ty. Hoặc đặt theo tên một Project lớn của riêng bạn để dễ nhận biết.

Nhấn vào nút “Tiếp”

Chọn hình thức theo dõi
Google Analytics hỗ trợ bạn theo dõi cả website và ứng dụng (iOS hoặc Android). Vì vậy trong phần này bạn sẽ có 3 lựa chọn:
1 – Chỉ đo lường thông số trên website: nếu bạn chỉ xây dựng web chứ không có ứng dụng cho smartphone hay tablet.
2 – Chỉ đo lường thông số trên Ứng dụng iOS hoặc Android: nếu bạn chỉ có ứng dụng chứ không có website.
3 – Đo lường thông số đồng thời trên Website và Ứng dụng: bạn phát triển cả website và ứng dụng, đồng thời muốn theo dõi chỉ số trên cả 2 nền tảng này.
Bạn hãy chọn lựa chọn nào phù hợp với mục đích của mình. Trong bài viết này, mình sẽ lựa chọn đo lường chỉ số trên website.

Thiết lập thuộc tính
Ở phần “Thiết lập thuộc tính”, hãy điền tên trang web, địa chỉ của trang web. Lý tưởng nhất là bạn hãy cài đặt cho website của mình một chứng chỉ bảo mật SSL. Khi đó địa chỉ trang web của bạn sẽ có dạng “https”, trên trình duyệt của bạn sẽ hiển thị một ổ khóa bên cạnh domain của bạn.
Chứng chỉ SSL sẽ giúp website của bạn được đánh giá cao hơn trên mọi phương diện. Người dùng sẽ tin tưởng website của bạn hơn khi họ cung cấp thông tin cá nhân. Và tất nhiên các bộ máy tìm kiếm sẽ đánh giá cao website của bạn.
Hãy thử liên hệ với nhà cung cấp domain, hosting của bạn để có thể mua được chứng chỉ SSL. Hoặc bạn có thể sử dụng chứng chỉ SSL được cung cấp miễn phí bởi Let’sEncrypt.
Sau đó hãy chọn múi giờ báo cáo phù hợp rồi nhấn nút “Tạo”

Điều khoản sử dụng Google Analytics
Tiếp theo, bạn sẽ được đưa tới trang Thỏa thuận điều khoản dịch vụ của Google Analtyics. Hãy đọc kỹ nó và nếu bạn muốn sử dụng thì bạn bắt buộc phải chấp nhận những điều khoản này của Google.

Cuối cùng, bạn sẽ nhận được mã theo dõi website của mình. Mã này là duy nhất với mỗi website mà bạn thêm vào tài khoản Google Analytics của mình.

Hãy sử dụng đoạn mã này để chèn vào thẻ <head> của tất cả những trang web mà bạn muốn theo dõi trên website của mình.
Hiện nay phần lớn website đều có một file header riêng. Vì thế rất tiện cho việc thêm những mã giống như mã theo dõi Google Analytics. Chỉ cần chèn chúng một lần trong file header là được, thay vì bạn phải chèn cho hàng trăm trang khác nhau trên website.
Trong phần tiếp theo của bài viết này, mình sẽ hướng dẫn các bạn cách để chèn mã Google Analytics vào website sử dụng WordPress. Nếu website của bạn sử dụng nền tảng khác, và bạn không chắc chắn về việc chèn đoạn mã trên vào chỗ nào. Hãy liên hệ với bộ phận quản trị website và cung cấp đoạn mã trên để họ có thể hỗ trợ bạn.
Bước 3: Chèn mã Google Analytics vào website sử dụng WordPress
Cách 1: Chèn trực tiếp đoạn mã Google Analytics vào file giao diện WordPress
Nếu bạn không muốn cài thêm bất kỳ Plugin nào vào trang web của mình. Bạn có thể sử chèn đoạn mã Google Analytics bằng cách truy cập vào phần Giao diện -> Sửa giao diện

Tiếp theo trong mục “File giao diện” ở phía bên phải, hãy chọn header.php

Copy đoạn code trên chèn vào sau thẻ <head> như hình dưới:

Sau đó nhấn “Cập nhật tập tin” là xong

Nếu bạn sử dụng cách này cần phải chú ý mỗi khi cập nhật lại giao diện. Có thể file header.php trong giao diện của bạn sẽ bị ghi đè bởi file mới. Nếu vậy, bạn hãy làm lại những bước trên để có thể cập nhật đoạn mã Google Analytics.
Cách 2: Sử dụng Plugin
Có rất nhiều Plugin hỗ trợ việc bạn cài đặt Google Analytics. Vào phần cài đặt Plugin -> Cài mới:

Hãy gõ “Goolge Analytics” vào phần tìm kiếm, ở đây bạn sẽ thấy được rất nhiều Plugin hỗ trợ việc cài đặt Google Analytics. Kinh nghiệm là hãy chọn những Plugin được đánh giá cao, có nhiều lượt cài đặt, cũng như được nhà phát triển hỗ trợ bằng cách thường xuyên đưa ra các bản cập nhật.

Khi sử dụng Plugin, bạn thường sẽ phải nhập mã theo dõi. Trong trường hợp này, bạn hãy quay trở lại Google Analytics, vào phần cài đặt thuộc tính để có thể lấy được mã theo dõi dạng UA-XXXXXX như trong hình dưới đây.

Việc còn lại là copy mã này để dán vào phần Mã theo dõi trong phần cài đặt Plugin của bạn.
Cách 3: Cài đặt Google Analytics qua Google Tag Manager
Đây là cách mà mình đang sử dụng và mình cũng khuyên các bạn nên cài đặt Google Analytics thông qua Google Tag Manager.
Việc sử dụng Google Tag Manager để quản lý các mã chèn trong website theo mình rất khoa học và chuyên nghiệp. Bạn sẽ không phải lọ mọ với đống code mỗi lần muốn chèn một đoạn mã vào website nữa.
Mình đã trình bày rất cụ thể trong bài viết sau:
Hướng dẫn cài đặt Google Analytics bằng Google Tag Manager
Kiểm tra Google Analytics đã hoạt động hay chưa
Bạn truy cập vào Google Analytics chọn mục Thời gian thực sau đó vào web bằng một tab khác để kiểm tra:

Nếu Google Analytics có ghi nhận lượt xem website thì bạn đã cài đặt thành công rồi nhé. Còn nếu không được bạn có thể kiểm tra lại lần lượt từng bước xem đã làm chính xác chưa hoặc để lại comment dưới bài viết này nhé!
Kết luận
Kết thúc phần 2 của loạt bài về Google Analytics, bạn đã biết cách cài đặt Google Analytics trên website của mình. Kiểm tra xem nó đã hoạt động hay chưa.
Sang phần sau, chúng ta sẽ cùng khám phá về cách tạo một số bộ lọc, chế độ xem cần thiết nhất trong Google Analytics.