Hướng dẫn cài đặt Google Tag Manager

Hướng dẫn cài đặt Google Tag Manager cho website

Google Tag Manager (GTM) ngày càng được sử dụng rộng rãi trong giới Digital Marketing. Đặc biệt là những bạn làm về nội dung và giao diện, GTM giúp các bạn có thể nắm bắt được sự quan tâm của người dùng đối với những nội dung trên website, thống kê chuyển đổi, thực hiện A/B testing.v.v…

Bài viết này sẽ giới thiệu cho các bạn cách cài Google Tag Manager cho WordPress, Joomla và Ladipage, những nền tảng đang được sử dụng phổ biến nhất.

Giới thiệu về Google Tag Manager

Google Tag Manager (GTM) là một sản phẩm được cung cấp miễn phí bởi Google. GTM giúp chúng ta có thể quản lý những đoạn mã theo dõi trên trang web bằng cách gom chúng lại một chỗ. Những đoạn mã này được gọi là Tags (thẻ).

Những đoạn mã này được sử dụng để theo dõi những sự kiện như gửi form, cuộn trang, click chuột, nhấn nút, copy..v.v… Trước đây, nếu muốn sử dụng những đoạn mã này, chúng ta thường phải chèn trực tiếp vào trong mã nguồn của trang web – một việc khá là phức tạp với các bạn làm Marketing. Do vậy chúng ta phải chuyển những yêu cầu này cho coder và ngồi chờ họ triển khai.

Nhưng khi GTM ra đời, nó đã giúp chúng ta giải quyết hoàn toàn việc phải đụng chạm vào code website. Điều này cũng tương đương mọi Marketers, SEOers đều có thể tự triển khai những đoạn mã theo dõi của riêng mình.

Hãy đọc bài phân tích Sự khác nhau giữa Google Analytics và Google Tag Manager để hiểu kỹ hơn về GTM.

Đăng ký tài khoản Google Tag Manager

Việc đăng ký tài khoản Google Tag Manager là hoàn toàn đơn giản và miễn phí. Đặc biệt đơn giản hơn nữa nếu bạn đã có sẵn một tài khoản Google.

Để đăng ký tài khoản Google bạn có thể truy cập vào https://account.google.com/. Việc đăng ký là hoàn toàn đơn giản, mình sẽ không đề cập trong bài viết này nữa nhé.

Tiếp theo, sau khi đã có tài khoản Google, bạn truy cập vào trang Google Tag Manager để tạo một tài khoản mới:

Điền các thông số:

  • Tên tài khoản: Đặt tên dễ nhớ tuỳ chọn
  • Country: Tuỳ thuộc nơi ở hoặc dự án của bạn
  • Container name: Tên của vùng chứa, bạn có thể điền địa chỉ web site ở đây
  • Target platform: Bạn có thể chọn là trang web, ứng dụng ios hoặc Android, hay trang AMP, tuỳ thuộc ứng dụng bạn dự định sẽ cài Google Tag Manager mà Google sẽ cung cấp cho bạn những đoạn code và tính năng phù hợp. Trong trường hợp này thì mình chọn website.

Cuối cùng nhấn Creat

Tạo một tài khoản Google Tag Manager

Sau đó sẽ xuất hiện điều khoản sử dụng của Google Tag Manager, bạn nhấn YES để tiếp tục. Hoặc “No” và hướng dẫn này sẽ kết thúc ở đây (😀)

Chờ khoảng 2 giây, Google Tag Manager đã tạo xong tài khoản cho bạn, và cung cấp cho bạn 2 đoạn mã để bạn có thể cài vào website như sau:

đoạn mã Google Tag Manager

Đoạn code để nhúng vào website của Google Tag Manager

Đoạn code này gồm 2 phần, một phần chèn vào thẻ <head> và một phần chèn vào thẻ <body> trên trang web của bạn.

Tại sao chúng ta cần 2 đoạn code này?

  • Đoạn code gắn trên thẻ <head> là đoạn code chính, mục đích để thực thi Google Tag Manager.
  • Trong khi đó đoạn code thứ 2 gắn trong thẻ <body> thực ra là một đoạn mã nhúng một trang web thực thi đoạn mã của Google Tag Manager. Đoạn code này được gọi là noscript.

Chúng ta cần đoạn noscript này để chạy được Google Tag Manager trên một số trình duyệt không có hoặc bị tắt tính năng chạy Javasript.

Bạn hãy chú ý, nên đặt đoạn mã trên cùng của thẻ <head> để nó sẽ được load sớm nhất, đảm bảo Google Tag Manager sẽ được hoạt động và kịp ghi nhận hành vi của người dùng. Bạn cũng hoàn toàn có thể

Có một câu hỏi được đặt ra ở đây là: Liệu đặt đoạn script này ở trong phần body có được không?

Câu trả lời là “Hoàn toàn có thể”. Nhưng điều này không đảm bảo GTM sẽ hoạt động một cách tốt nhất, vì có thể người dùng sẽ rời khỏi trang web trước khi GTM chạy, vì lý do website của bạn load chậm chẳng hạn.

Trong trường hợp bạn tắt cửa sổ ở hình trên mà chưa kịp copy đoạn code, bất cứ lúc nào bạn cũng có thể vào tab Admin và chọn mục Install Google Tag Manager để có thể lấy lại đoạn code này:

tìm lại đoạn code Google Tag Manager

Bước tiếp theo chúng ta sẽ tiến hành chèn đoạn mã này vào trang web.

Hiện nay có khá nhiều nền tảng CMS mã nguồn mở, cung cấp cho các bạn giải pháp xây dựng website một cách nhanh chóng. Điển hình như WordPress, Joomla, Drupal, WIX… ở Việt Nam có nền tảng Ladipage cũng đang rất phổ biến và được nhiều người tin dùng để làm trang sản phẩm bằng cách kéo thả một cách nhanh chóng. Đối tượng sử dụng những nền tảng này chủ yếu là Bloger, trang bán hàng nhỏ, trang thông tin doanh nghiệp… vì tính tiện dụng, dễ dàng triển khai của chúng.

Bên cạnh đó cũng có rất nhiều website lớn có đội ngũ lập trình viên xây dựng từ đầu, để đảm bảo tính bảo mật, cũng như tối ưu hệ thống phù hợp với doanh nghiệp.

Tuỳ từng trường hợp của bạn, mà sẽ có những cách triển khai Google Tag Manager riêng. Nếu trường hợp website của bạn do đội ngũ lập trình viên xây dựng. Hãy cung cấp cho họ đoạn code Google Tag Manager và yêu cầu họ chèn vào thẻ <head><body> trên những trang muốn theo dõi, hoặc toàn bộ trang.

Trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn các bạn cài đặt Google Tag Manager trên WordPress, Ladipage, Joomla. Là một số nền tảng mà người Việt mình hay dùng.

Cài đặt Google Tag Manager cho WordPress

Đầu tiên có lẽ phải nói tới WordPress. Đây là nền tảng mã nguồn mở giúp bạn tạo website hàng đầu thế giới hiện nay, theo thống kê trong năm 2019 thì có 1/4 số lượng website trên toàn thế giới đang sử dụng WordPress.

Nền tảng WordPress rất dễ sử dụng và làm quen, cùng với nguồn tài nguyên hỗ trợ phong phú từ Themes đến Plugins, có thể nói WordPress có thể đáp ứng được phần lớn những yêu cầu của bạn như làm Blog, Shop, Tin tức..v.v…

Việc cài đặt Google Tag Manager cho WordPress cũng cực kỳ đơn giản và có thể chia ra làm 2 cách là sử dụng Plugin và chèn code vào giao diện.

Cài trực tiếp vào file giao diện

Hãy đăng nhập vào trang quản trị của website, đi tới phần Giao diện, Sửa giao diện

chèn script google tag manager vào wordpress

Bạn sẽ được đưa tới trang Chỉnh sửa giao diện, ở cột phía bên phải chọn sửa file header.php

Sửa file header.php để chèn đoạn mã Google Tag Manager

Sau đó bạn chèn lần lượt 2 đoạn mã trên vào thẻ <head><body>. Dưới đây là ví dụ của mình thực hiện đối với web Analyticsecret.com:

Nhấn lưu lại, vậy là xong nha. Giờ bạn có thể Xuất bản vùng chứa (Publish the Container) và kiểm tra xem Google Tag Manager đã hoạt động hay chưa bằng Google Tag Assitant nhé.

Cài thông qua Plugin

Có rất nhiều Plugin có thể hỗ trợ bạn cài mã Google Tag Manager. Việc cài Google Tag Manager bằng Plugins cũng giúp bạn tiết kiệm khá nhiều thời gian. Đồng thời thao tác cũng đơn giản hơn rất nhiều.

Một số Plugins cài Google Tag Manager cho WordPress phổ biến:

Google Tag Manager for WordPress: Đây là Plugin mình khuyên bạn nên sử dụng, vì nó khá nhẹ, nhiều người sử dụng, được đánh giá cao, và support cũng rất nhanh. Không yêu cầu gì nhiều hơn ở một Plugin nhỏ nhẹ và đơn giản như vậy.

Google Analytics and Google Tag Manager: Đây cũng là một Plugin nhỏ nhẹ và hay ho, tuy nhiên số lượng người sử dụng ít hơn

Cả 2 Plugins trên đều có thêm tính năng hỗ trợ bạn thao tác với các biến Data Layer, thậm chí một số cài đặt tracking có sẵn cho các bạn sử dụng như cuộn trang, nhấn nút bấm…v.v…

Bản thân mình dùng phương án nhúng trực tiếp code vào file giao diện của website, một phần mình luôn muốn hiểu rõ bản chất, cái gì đơn giản tự làm được thì mình thường hay cố làm. Và một phần mình cũng lo việc sử dụng nhiều Plugins sẽ gây chậm website.

Nếu website của bạn chỉ sử dụng WordPress thì mọi việc đến đây là xong. Hãy nhớ kiểm tra lại Google Tag Manager đã hoạt động chưa bằng Google Tag Assistant nhé!

Cài đặt Google Tag Manager cho Ladipage

Tại sao mình lại đề cập đến Ladipage?

Thực sự là mình khá kỹ tính trong việc sử dụng một sản phẩm Digital, vì trên thế giới có rất nhiều giải pháp tối ưu, thời đại Global hiện nay, mọi thứ chỉ cần Google, xem xét và đánh giá là bạn hoàn toàn có thể chọn ra giải pháp tối ưu nhất.

Trước giờ mình rất ít khi sử dụng một sản phẩm Digital của Việt Nam (khách quan như mình vừa nói, chứ không phải vì kỳ thị nhé). Nhưng cho đến khi sử dụng Ladipage, mình đã hoàn toàn thuyết phục. Mọi việc với Landing Page giờ trở nên quá đơn giản, nhẹ nhàng.

Ladipage có gì hay?

Trước đây mỗi khi xây dựng một Landing Page mới, mình sẽ phải tạo trang, hoặc nếu chạy độc lập thì phải cài hẳn lại một site wordpress mới, tạo subdomain rồi trỏ trỏ đến hosting các kiểu, sau đó tìm giao diện, buil nội dung, check mobile, responsive, lắp lắp ghép ghép các kiểu.

Giờ Ladipage giúp mình tiết kiệm vô số thời gian vì chỉ việc tạo sub domain, trỏ về Ladipage, rồi ấn nút tạo thôi, không cần lo đến host (mà nếu bạn muốn chạy hosting độc lập thì Ladipage cũng đã có tính năng xuất trang để bạn upload lên hosting của bạn).

Cùng với vô vàn những thành phần giao diện mẫu bản quyền đẹp và phù hợp với mọi chủ đề.

Chú ý quảng cáo

Nếu bạn muốn sử dụng Ladipage thì có thể đăng ký qua link Affiliate của mình để được tặng thêm 3 tháng sử dụng nếu mua gói 1 năm nhé:

Thôi quay lại chủ đề chính. Tới thời điểm hiện tại (11-2019), Ladipage cũng đã cập nhật lên Version 2. Việc cài đặt Google Tag Manager đã trở nên đơn giản hơn bao giờ hết:

Đầu tiên, hãy truy cập vào tài khoản Ladipage của bạn. Vào Landing Page bạn muốn chèn mã Google tag manager. Trong giao diện chỉnh sửa của Ladipage, chọn Thiết lập, Mã chuyển đổi:

Cài đặt Google Tag Manager trên Ladipage

Bảng Thiết lập trang hiện ra, giờ bạn hãy điền Google Tag Manager ID vào như trong hình sau rồi nhấn nút Đóng:

cài google tag manager cho ladipage

Bạn không biết Google Tag Manager ID? Hãy truy cập vào tài khoản Google Tag Manager, đi tới vùng chứa của dự án, dưới đây là chỗ bạn có thể tìm thấy nó:

cách xem mã Google Tag Manager ID

Sau cùng đừng quên Xuất bản và kiểm tra xem Google Tag Manager đã hoạt động chưa bằng cách sử dụng Google Tag Assistant nhé

xuất bản trang Ladipage đã cài Google Tag Manager

Cài đặt Google Tag Manager cho Joomla

Joomla là một trong những CMS đầu tiên thành công trên thế giới, ra đời từ rất lâu rồi. Website đầu tiên mình làm cũng sử dụng Joomla. Ở Việt Nam cũng có một start up thành công và vươn tầm thế giới, bắt đầu từ việc phát triển Plugin và giao diện cho Joomla. Đó chính là Joomlart, chắc hẳn webmaster thời kỳ đầu không ai là không biết.

Cài đặt Google Tag Manager cho Joomla

Để cài đặt Google Tag Manager cho Joomla thì bạn nên dùng Extensions Google Tag Manager. Bạn cũng có thể tự thêm mã bằng cách sửa file index.php. Tuy nhiên Joomla khuyến nghị bạn nên sử dụng một Extensions để cài đặt Google Tag Manager.

Làm theo các bước sau:

  • Tải Extensions về
  • Đăng nhập vào trang quản trị, chọn Extensions, Install
  • Upload file googletagmanager.1.0.1.zip để cài đặt
  • Lấy Google Tag Manager ID điền vào theo hình dưới
  • Publish Plugin
  • Kiểm tra lại bằng Google Tag Assistant

Vậy là xong rồi!

Cài đặt Google Tag Manager cho website không sử dụng những nền tảng trên & Kết

Trường hợp website của bạn không phải là WordPress, Joomla hay Ladipage thì sao?

Cũng có thể chính bạn là người phát triển website, vậy thì mọi việc sẽ rất đơn giản, hãy chèn thẻ vào web thôi.

Chú ý rằng đoạn script phải xuất hiện đúng những nơi bạn cần theo dõi nhé. Vì mình đã gặp khá nhiều trường hợp các bạn phát triển web gắn mã, nhưng giao diện của các bạn bị chia ra làm nhiều thành phần. Phần Trang chủ một header, rồi phần Tin tức lại một header chẳng hạn. Dẫn đến việc mã Google Analytics và Google Tag Manager không hoạt động trên những trang bị thiếu.

Còn trong trường hợp bạn không phải là người xây dựng web? Vậy thì hãy liên hệ với cá nhân phụ trách phát triển web (thường là bộ phận IT trong công ty, hoặc đối tác xây dựng website cho công ty bạn) và yêu cầu họ gắn mã nhé!

Chúc các bạn thành công! Đừng quên để lại comment nếu có bất kỳ vướng mắc gì, mình rất vui được hỗ trợ các bạn!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Scroll to Top