Google Analytics toàn tập (part 1)

Google Analytics toàn tập (P1) – Google Analytics là gì? Tại sao Google Analytics quan trọng? Và nó hoạt động như thế nào?

Bạn sở hữu một website nhưng chưa sử dụng công cụ nào để theo dõi lưu lượng truy cập? Bạn có thể đã nghe qua Google Analytics là gì? Và đang muốn tìm hiểu về Google Analytics?

Tin vui là bạn đang ở đúng chỗ. Trong chuỗi bài viết dài kỳ Google Analytics toàn tập này. Analyticsecret.com sẽ tổng hợp toàn bộ những kiến thức về Google Analytics để giúp bạn sẵn sàng bắt đầu bất kỳ một dự án nào.

1. Google Analytics là gì?

Google Analytics là một công cụ phân tích website (web analytics) được cung cấp MIỄN PHÍ bởi Google – gã khổng lồ trong làng tìm kiếm.

Google Analytics toàn tập
Logo của Google Analytics.

Google Analytics giúp cho chủ sở hữu website có thể nắm bắt được những thông tin về lưu lượng truy cập đến website của họ. Google Analytics sẽ thu thập những thông tin, dữ liệu về từng lượt truy cập.

Bao gồm thời gian họ sử dụng trên trang web, họ đã thực hiện những hành vi nào trên website của bạn? Những nội dung nào trên website của bạn nhận được nhiều sự quan tâm? Thậm chí là thông tin về giới tính, độ tuổi, vị trí địa lý của khách truy cập.

2. Tầm quan trọng của Google Analytics đối với website của bạn?

Xét về tổng thể Digital Marketing ngày nay, phân tích lưu lượng truy cập website có vẻ như chỉ chiếm một phần nhỏ(?). Vì một chiến dịch của bạn có thể chạy trên nhiều kênh khác nhau, từ facebook, instagram, zalo..v..v.

Nhưng thực tế là với những chiến dịch bài bản, website của bạn thường đóng vai trò trung tâm trong sự hiện diện kỹ thuật số của bạn. Trong hành trình của khách hàng, họ có thể ghé thăm website của bạn ở bất kỳ điểm nào. Từ mẩu quảng cáo facebook, đường link trên instagram hoặc một banner quảng cáo trên những website khác…

Và đặc biệt, đối với mảng SEO (Search Engine Optimize). Nơi website của bạn được trả về trên trang kết quả của những dịch vụ tìm kiếm như Google, Bing… Thì việc sử dụng công cụ phân tích lưu lượng website là vô cùng quan trọng.

Google Analytics toàn tập
Biểu đồ này cho thấy lượng người dùng đến với website chủ yếu từ tìm kiếm trên Google.

Một cách tổng quát, website của bạn là một phần quan trọng trong mọi chiến dịch Digital Marketing. Và việc sử dụng các công cụ phân tích lưu lượng truy cập, tiêu biểu là Google Analytics, đóng một vai trò quan trọng để bạn có thể đánh giá mức độ thành công của một chiến dịch marketing.

Không những thế, những báo cáo của Google Analytics cung cấp cho bạn có thể giúp bạn khảo sát sự quan tâm của khách hàng. Từ đó đưa ra những sửa đổi, nâng cấp và mục tiêu cụ thể trong chiến dịch Marketing tổng thể.

3. Google Analytics cung cấp cho bạn những thông tin gì?

Những thông tin mà Google Analytics cung cấp cho bạn có thể được phân ra làm 2 loại chính. Đó là những thông tin của người dùng (1) và những hành vi của người dùng trên website của bạn (2).

3.1 Thông tin của người dùng (User Acquisition Data)

Nhân khẩu học

Những thông tin của người dùng thường được thu thập bởi Google Analytics cho bạn biết được về giới tính, độ tuổi, vị trí địa lý, sở thích..v.v. của họ.

Hướng dẫn Google Analytics
Một báo cáo cho biết được độ tuổi của khách ghé thăm web. Có thể thấy người dùng chủ yếu trong độ tuổi 25-34.

Nguồn truy cập

Bên cạnh đó Google Analytics cũng giúp bạn biết được họ đã truy cập trang web của bạn bằng cách nào. Có thể là truy cập từ công cụ tìm kiếm, một chiến dịch quảng cáo trên Facebook, Zalo, quảng bá trên trang tin điện tử, ứng dụng..v.v..

Hướng dẫn Google Analytics
Một báo cáo cho thấy nguồn lưu lượng đến từ quảng cáo banner trên trang web vnexpress.net

Công nghệ

Google Analytics cũng có báo cáo cho bạn về thiết bị họ sử dụng để truy cập. Đó là một chiếc iphone X, hay Samsung Galaxy S10. Họ sử dụng Windows hay MacOS. Cũng như trình duyệt họ sử dụng để truy cập website của bạn là gì? Chrome, Cốc cốc, Firefox hay Safari. Bạn có thể biết được người dùng website của bạn truy cập từ thiết bị nào nhiều nhất. Từ đó lên phương án tối ưu website của mình cho phù hợp.

Một chiến dịch nhắm tới khách hàng sử dụng điện thoại iPhone có lẽ sẽ phù hợp với nội dung trên trang web này.

Bạn không thể thay đổi được những thông tin này, nhưng dựa vào đó bạn có thể điều chỉnh kênh tiếp cận khách hàng của bạn cho phù hợp với chiến dịch. Có thể bằng cách đẩy mạnh vào một kênh cụ thể, giả sử như quảng cáo trên Facebook, nhắm vào một đối tượng khách hàng cụ thể phù hợp chẳng hạn.

Bạn hãy yên tâm các nền tảng quảng cáo hiện nay hỗ trợ bạn rất tốt trong việc lựa chọn nhóm đối tượng. Bằng cách lựa chọn những mô tả nhóm đối tượng phù hợp với đối tượng bạn cần nhắm đến có thể sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản chi phí khổng lồ cho những chiến dịch quảng cáo của mình.

Thông qua những báo cáo về thông tin của người dùng (User Acquisition Data) bạn sẽ biết được liệu những chiến dịch của bạn có đang tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu chưa.

3.2 Hành vi của người dùng trên website (User Behavior Data)

Khác với những thông tin có sẵn của người dùng, và những nguồn truy cập phát sinh trước khi họ ghé thăm website của bạn đã nói ở phần trên. Những dữ liệu về hành vi của người dùng (User Behavior Data) được tạo ra khi người dùng đã ghé thăm website của bạn.

Những dữ liệu này bao gồm:

  • Thời gian họ sử dụng trên website
  • Những nội dung nào được khách thích nhất, cũng như những nội dung nào không mang lại trải nghiệm tốt, khiến họ thoát đi.
  • Tỉ lệ chuyển đổi từ khách ghé thăm thành khách mua hàng, đăng ký là bao nhiêu?
Hướng dẫn Google Analytics
Một báo cáo về sự kiện. Trong đó các số 10, 30, 50, 70, 100 là số chỉ phần trăm cuộn chuột theo chiều dài trang web. Có thể thấy số lượng người xem đến hết trang web giảm dần. Và số lần người dùng click nút “Xem ảnh nóng” là 139 lần.

Dựa vào những dữ liệu trên, bạn có thể thay đổi nội dung, cấu trúc của website để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Mục đích có thể là bán được nhiều hàng hơn, hoặc họ sẽ đăng ký nhận tin của bạn hay bất kỳ thứ gì khác phù hợp với mục tiêu của bạn.

Ví dụ, khi bạn biết được trang khách truy cập thoát nhiều nhất. Hãy tìm hiểu lý do tại sao? Có thể là nội dung nhàm chán? Trang thiếu liên kết nội bộ có ích? Dù gì đi chăng nữa thì bạn nên có sự điều chỉnh nội dung trên trang này.

Luồng hành vi của khách truy cập website.

Hoặc, bạn có thể biết được luồng hành vi của khách hàng. Họ có đang bị đi lạc trên website của bạn hay không? Luồng di chuyển của họ hay bị đứt gãy ở đâu? Hãy điều chỉnh lại những luồng này để cung cấp cho họ những trải nghiệm tốt nhất.

4. Google Analytics hoạt động như thế nào?

Để có thể sử dụng Google Analytics, bạn phải chèn một đoạn mã Javascript vào trang web cần theo dõi. Thông qua đoạn mã này, Google Analytics sẽ tiến hành 4 công việc chính sau để có thể cung cấp cho bạn báo cáo hoàn chỉnh nhất:

Bước 1: Thu thập dữ liệu

Những thông tin của người dùng và thiết bị truy cập, những thông tin về hành vi của họ trên website. Họ đến từ đâu, bấm nút nào trên web, xem nội dung nào nhiều?

Thậm chí một số thông tin của người dùng sẽ được lưu lại trong cookie của trình duyệt. Nhờ đó Google Analytics biết được họ đã từng truy cập trước đây chưa? Là khách mới hay cũ của website?

Tất cả những thông tin này sẽ được gửi đến máy chủ Google Analytics.

Bước 2: Xử lý dữ liệu

Ngay sau khi nhận được dữ liệu, máy chủ Google Analytics sẽ tiến hành phân tích và xử lý chúng. Ở giai đoạn này, Google Analytics tiến hành lọc những dữ liệu cần thiết cho những báo cáo của bạn.

Bước 3: Tùy chỉnh, đóng gói thông tin

Sau khi có toàn bộ những dữ liệu thu thập được, Google Analytics cơ bản đã có thể cung cấp cho chúng ta những dữ liệu tổng quát nhất.

Nhưng đối với những người dùng cần sự chi tiết hơn, họ có thể tạo ra những bộ lọc (Filter), hoặc chế độ xem (Views) tùy chỉnh để phù hợp với mục đích riêng của mình.

Ví dụ, bạn có thể muốn loại trừ những truy cập đến từ chính bạn, hoặc công ty bạn trong báo cáo của mình:

Cách loại trừ truy cập nội bộ trong Google Analytics

Bộ lọc truy cập nội bộ là cần thiết để có một báo cáo khách quan hơn trong Google Analytics.

Hoặc bạn cũng muốn loại trừ những lượt truy cập từ những nguồn giới thiệu spam. Nhằm làm cho báo cáo của bạn chính xác và trực quan hơn:

Cách loại trừ lưu lượng truy cập ảo trong Google Analytics

Bạn cũng có thể xem thêm bài viết về những chế độ xem cần có trong Google Analytics để biết cách bảo vệ dữ liệu lưu lượng truy cập. Bởi vì một khi dữ liệu thông qua những bộ lọc bạn tạo ra sẽ được lưu trữ lại và không thể thay đổi.

Bước 4: Báo cáo

Cuối cùng, Google Analytics sẽ đưa ra những báo cáo dựa trên những số liệu được lưu lại theo mặc định hoặc theo cách của bạn. Khi truy cập vào Google Analytics bạn sẽ dễ dàng thấy được những báo cáo này.

Một báo cáo tổng quan về lượng truy cập trong ngày của Google Analytics.

Những báo cáo của Google Analytics rất đa dạng và phong phú. Bạn có thể tùy chỉnh chúng theo nhiều chế độ xem khác nhau, tùy thuộc bạn muốn báo cáo của mình theo tiêu chí nào.

5. Tổng kết

Không có con số chính thức về số lượng website sử dụng Google Analytics ở thời điểm hiện tại. Nhưng theo một bài viết trên Marketingland (từ năm 2015) có đưa ra phỏng đoán số lượng website có sử dụng Google Analytics là từ 30 đến 50 triệu website.

Có lẽ khi đọc đến đây thì bạn sẽ không còn thắc mắc Google Analytics là gì nữa. Google đã cung cấp cho chúng ta một công cụ vô cùng mạnh mẽ trong việc phân tích lưu lượng truy cập website. Đặc biệt nó hoàn toàn miễn phí.

Nếu bạn có ý định sử dụng Google Analytics cho những báo cáo của mình, thì việc còn lại có lẽ là tìm hiểu ngay chuỗi bài viết Hướng dẫn Google Analytics thôi.

Analyticsecret.com

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Scroll to Top