Loại trừ truy cập nội bộ từ công ty giúp cho dữ liệu báo cáo của Google Analytics chính xác hơn. Đặc biệt với những website mới thành lập, thì tỉ lệ truy cập từ nội bộ sẽ chiếm phần lớn.
Đối với blog này của mình cũng vậy. Hiện tại, khi vào Google Analytics để check sẽ thấy tình trạng giống như thế này:

Các bạn có thể thấy những trang “preview” xuất hiện, là do mình xem trước trong khi viết bài. Chúng hoàn toàn không nên có mặt ở đây. Nếu website của bạn đang trong thời gian đầu xây dựng, chưa có nhiều traffics, hãy thử truy cập Google Analytics và kiểm tra. Mình nghĩ web của bạn cũng sẽ giống như trên.
Đối với những công ty lớn, số lượng nhân viên cũng tương ứng nhiều thêm. Thì những lượt truy cập từ nội bộ công ty cũng sẽ ảnh hưởng đến sự chính xác trong những báo cáo của Google Analytics.
Bài viết này sẽ hướng dẫn cho các bạn tạo bộ lọc (Filter) loại trừ IP trong Google Analytics để lọc những truy cập từ nội bộ.
#1. IP Public và IP Private là gì?
Bởi vì mình cũng không phải là một chuyên gia quản trị mạng, nên mình sẽ trình bày ngắn gọn theo ý mình hiểu nhất. Và sẽ không đi sâu vào IP Public và IP Private. Các bạn có thể lên Google để tìm hiểu thêm về 2 loại định dạng IP này nhé.
#1.1 IP Private
IP Public (hay còn gọi là Internet IP) và IP Private về bản chất là giống nhau. Đều là một dãy số dạng 123.345.567.12. Nhưng chúng nó khác nhau ở cách dùng, cụ thể IP Private được dùng trong mạng nội bộ của Công ty bạn, hoặc mạng ở nhà.
Các thiết bị truy cập mạng trong công ty hay gia đình, sẽ đều có một địa chỉ IP. Địa chỉ IP này do Router (Modem, các cục Wifi) cung cấp cho các thiết bị. Đây được gọi là IP Private.
#1.2 IP Publics
Còn địa chỉ IP Public là do nhà cung cấp mạng (IPS) cung cấp cho Router của công ty hoặc gia đình bạn. Địa chỉ IP Public giúp cho cả thế giới Internet phân biệt được nhau, nó giống như địa chỉ nhà của bạn vậy.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tạo bộ lọc IP loại trừ truy cập từ công ty? Tôi có phải kiểm tra IP của từng máy tính trong công ty rồi ghi chép lại đống địa chỉ này sau đó điền vào bộ lọc?
Câu trả lời là không nhé! và chúng ta sẽ chỉ cần tìm được địa chỉ IP Public mà nhà mạng đã cung cấp cho công ty hoặc gia đình bạn. Tuỳ thuộc vào số lượng đường truyền internet mà công ty bạn sử dụng. Có thể cùng một địa điểm nhưng dùng nhiều mạng khác nhau. Hay nhiều chi nhánh trong nước hoặc những quốc gia khác nhau.
Việc của bạn là chỉ cần xác định địa chỉ IP Public của những nơi bạn muốn loại trừ là được!
#2. Xác định IP Public của công ty bạn
Hãy truy cập vào một trong những trang web sau để có thể xem được địa chỉ IP Public do nhà mạng (IPS) cung cấp cho công ty bạn:
Bạn sẽ nhận được thông tin địa chỉ IP Public của bạn giống như sau:

Hãy lưu địa chỉ IP này lại để tạo bộ lọc.
Chú ý trường hợp công ty bạn sử dụng nhiều hơn một đường truyền mạng thì hãy nhớ kiểm tra để ghi lại hết nhé.
#3. Tạo bộ lọc loại trừ truy cập nội bộ trong Google Analytics
Hãy xem bài viết Tạo bộ lọc ngăn chặn Ghost Spam, phần hướng dẫn tạo bộ lọc mới trong Google Analytics để biết cách tạo bộ lọc.
Hãy nhớ đừng bao giờ tạo bộ lọc trên chế độ xem mặc định của Google Analytics (All Website Data) nhé. Lý do thì mình đã nói rõ trong bài viết này.
Giờ bạn hãy tạo một bộ lọc với cấu hình như sau:
- Loại bộ lọc (Filter Type): Được xác định trước
- Loại trừ
- Lưu lượng truy cập từ các địa chỉ IP
- Bằng với
- Địa chỉ IP: Điền địa chỉ IP Public mà bạn đã xác định được ở bước trên.

Sau đó nhấn Lưu lại, vậy là bạn đã tạo thành công bộ lọc lưu lượng truy cập nội bộ theo địa chỉ IP Public rồi đó.
Bạn có thể làm thêm những bộ lọc khác nếu vẫn còn những địa chỉ IP khác cần lọc nữa nhé. Giờ hãy chuyển qua bước kiểm tra.
#4. Kiểm tra bằng báo cáo Thời gian thực trong 2 chế độ view khác nhau
Chúng ta hãy mở 2 tab và truy cập vào 2 chế độ xem khác nhau (trong ví dụ của mình là Tất cả dữ liệu trang web và Master View, bộ lọc IP Public mình để ở Master View). Đồng thời truy cập vào trang web bằng một tab ẩn danh khác để xem thử kết quả.
Như trong hình dưới đây thì bộ lọc lưu lượng truy cập nội bộ của mình đã hoạt động. Nó đã loại bỏ truy cập từ máy của mình:

#5. Kết luận & Lưu ý khi tạo bộ lọc loại trừ lưu lượng truy cập từ công ty
Việt tạo bộ lọc lưu lượng truy cập nội bộ (từ công ty, chi nhánh…) là hoàn toàn cần thiết. Chúng ta cần kết hợp với bộ lọc Spam Bot để dữ liệu trong báo cáo của Google Analytics được chính xác.
#5.1 Lưu ý 1
Do địa chỉ IP Public phần lớn là không cố định. Nhà cung cấp mạng có thể sẽ thay đổi nó vì những lý do bảo mật và bảo vệ người dùng. Vậy sau khi tạo bộ lọc lượt truy cập nội bộ, thỉnh thoảng bạn hãy kiểm tra lại IP Public của công ty để có thể kịp thời thay đổi.
#5.2 Lưu ý 2
Đối với một số ít trường hợp, bạn muốn lọc địa chỉ IP của mạng phụ, hoặc IPv6 thì cũng hoàn toàn tương tự như cách tạo bộ lọc ở phía trên.
Tham khảo thêm Tài liệu được cung cấp bởi Google ở đây.
Chúc các bạn thành công, và có những báo cáo chính xác nhé!