Hiện nay (2019) có lẽ phần lớn người làm Digital Online Marketing đều đã từng nghe đến hoặc đang sử dụng 2 công cụ của Google, đó là Google Analytics (GA) và Google Tag Manager (GTM). Có lẽ các bạn đã hiểu rất rõ về 2 công cụ siêu kinh điển này của Google, nhưng hôm nay mình viết bài này để có thể giải đáp thắc mắc cho nhiều bạn mới làm quen – newbie – với GA và GTM.
Thực sự, lần đầu nghe về Google Tag Manager, mình cũng đã rất tò mò và đặt nhiều câu hỏi về nó. Mình cũng mày mò khắp nơi trên internet, cũng như những hướng dẫn của Google về GTM.
Và vẫn nhớ như in cái cảm giác lần đầu chạy được Google Analytics qua Google Tag Manager, lần đầu tiên ghi nhận được hành vi ấn nút, hay đặt hàng của khách thông qua Google Tag Manager. Một việc mà trước khi sử dụng GTM mình đã phải rất vất vả chỉnh sửa trong code của web.
Lần đầu tiên bao giờ cũng rất thú vị đúng không? Và bài viết này dành tặng cho những bạn mới làm quen với Google Tag Manager cũng như Google Analytics. Hy vọng các bạn có một lần đầu tiên thật suôn sẻ nhé!
Thời điểm ra mắt
Google Tag Manager đã được Google cho ra mắt từ ngày 1 tháng 10 năm 2012, cho đến nay đã được 8 năm. Còn Google Analytics được công bố vào ngày 14 tháng 11 năm 2005. Chênh lệch nhau 7 tuổi, hiện tại cả 2 được coi là một công cụ thuộc nền tảng Marketing của Google (Google Marketing Platform).
Tóm tắt về Google Analytics
Google Analytics được đông đảo mọi người sử dụng từ thời điểm mới công bố. Khi đó Google Analytics phần lớn không được khai thác hết tiềm năng, do nhu cầu của người dùng chưa cao, chủ yếu phục vụ xem số lượng traffic, lượng online…
Thời điểm SEO bắt đầu nở rộ, kiến thức về Google Analytics cũng bắt đầu được phổ rộng theo. Có thể nói là ai làm Digital Online Marketing mà không biết đọc báo cáo Google Analytics có thể được gọi là lạc hậu hay “tối cổ”.

Mục đích
Mục đích chính của Google Analytics là tạo báo cáo thống kê về trang web của bạn. Những báo cáo này có thể bao gồm:
- Có bao nhiêu người đã vào trang web của bạn trong tuần vừa qua?
- Họ đến từ Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh?
- Họ đã xem những trang nào trong phiên?
- Nội dung nào trên web của bạn được xem nhiều nhất?
- Có bao nhiêu người đã rời khỏi web của bạn mà không thực hiện bất kỳ hành động nào?
- Thời điểm nào trong ngày, trong tháng họ ghé thăm website của bạn nhiều nhất?

Cách thức hoạt động
Google Analytics ghi nhận thông tin của người dùng thông qua thẻ marketing. Hay vẫn gọi là GA Tracking Code hoặc GA JavaScript code snippet, thẻ này phải được gắn trên trang web mà bạn muốn theo dõi.
Khi người dùng tương tác trên website, ví dụ như tải trang web, một đoạn mã JavaScript sẽ gửi dữ liệu tương ứng tới máy chủ Google Analytics.
Máy chủ Google Analytics sẽ tổng hợp các dữ liệu này, ghi lại và tạo ra những báo cáo trực quan trong tài khoản Analytics của bạn.
Sẽ rất đơn giản nếu…
Sẽ không có chuyện gì to tát nếu bạn chỉ muốn chèn thẻ Google Analytics trên toàn bộ website và ghi nhận những thông tin cơ bản nhất mà nó hỗ trợ như Lượt xem trang, Tỉ lệ thoát, Thời lượng phiên…v.v.
Đặc biệt khi bạn chèn Google Analytics vào website sử dụng WordPress thì điều này thực sự rất dễ dàng khi bạn chỉ cần chèn đoạn mã một lần duy nhất vào file header.php của giao diện.
Hoặc còn dễ dàng hơn nữa nếu sử dụng những Plugin như:
- Google Analytics Dashboard Plugin for WordPress by MonsterInsights
- Google Analytics Dashboard for WP by ExactMetrics
Những vấn đề
Khi người người làm SEO, nhà nhà làm SEO, mọi người bắt đầu phải đào sâu hơn những kiến thức về tracking, theo dõi hành vi người dùng, tỉ lệ chuyển đổi.v.v.. vì “không làm thì sẽ bị thụt lùi so với đối thủ”. Trước khi Google Tag Manager ra mắt, cách để theo dõi những hành vi này là bạn phải cài đặt mã theo dõi cho từng thành phần trên web như nút bấm, form, đường link..v.v..
Nếu bạn không theo dõi sâu hơn những tương tác của người dùng trên website, có lẽ bạn sẽ bị thụt lùi và bỏ rơi. Vì tất cả đối thủ của bạn đều đang ngày đêm làm như vậy, và cuộc chiến Digital Online Marketing là cuộc chiến khốc liệt về nội dung, bạn phải hiểu khách hàng cần gì để đáp ứng nhu cầu của họ.
Điều này dẫn đến rất nhiều rắc rối khi phần lớn những Marketer, Seoer không phải là người rành code, họ sẽ phải nhờ coder để chèn mã, thậm chí không phải một lần mà nhiều lần – làm đi làm lại.
Mà kể cả những bạn Full-stack Marketer (thuật ngữ hay dùng để chỉ những Digital Maketer đa nhiệm) cũng cảm thấy vô cùng nhàm chán khi phải mò mẫm vọc vạch từng dòng code để chèn mã JavaScript…
Khi chèn một số lượng script trực tiếp vào mã nguồn của website, bạn cũng phải đối mặt với rủi ro cao khi bị “loạn code”. Không biết tìm ở đâu, sửa chỗ nào, thậm chí mất hết tracking script khi “lỡ tay” ấn update giao diện khi sử dụng WordPress hoặc một số nền tảng mã nguồn mở khác như Joomla, Drupal…
Nhưng những khó khăn này sẽ không kéo dài lâu…
Google Tag Manager – đúng người, đúng thời điểm

Cuối năm 2012, Google cho ra đời trình quản lý thẻ Google Tag Manager với lời đề tựa “Tag management system to manage JavaScript and HTML tags, including web beacons, for web tracking and analytics” – Tạm dịch: “Hệ thống quản lý thẻ HTML và JavaScript có bao gồm cả web beacons, dành cho theo dõi và phân tích trang web”.
Và mọi vấn đề đã được giải quyết! Có Google Tag Manager trong tay bất kỳ Maketer, Seoer nào cũng có thể tự xử lý gần như mọi nhu cầu về tracking website. Và gần như không phải động đến bất kỳ một dòng code nào trong mã nguồn của website.
Tất nhiên trừ lần đầu tiên phải nhúng code của Google Tag Manager vào thẻ <head> và <body> của web. Và việc này cũng rất đơn giản, bạn có thể làm thành công sau 5 phút theo hướng dẫn dưới đây:
>> Hướng dẫn cài đặt Google Tag Manager cho website sử dụng WordPress
Mục đích của Google Tag Manager
Google Tag Manager giúp bạn quản lý toàn bộ những thẻ gắn trên trang web dễ dàng hơn, chúng được gom lại một chỗ, với giao diện người dùng trực quan. Dễ dàng sử dụng ngay cả đối với những người không biết gì về code. Thậm chí chỉ cần đọc qua 1, 2 bài hướng dẫn là bạn đã bắt đầu tracking hành vi nút bấm, gửi form ngon lành và trơn tru.
Cách thức hoạt động
GTM chứa các thẻ (tags) bạn muốn kích hoạt trên website. Mỗi thẻ có thể được kích hoạt (fire) theo một yêu cầu nhất định của bạn. Các yêu cầu này được gọi là các Trigger.
Thẻ (Tags) trong Google Tag Manager
Những đoạn mã Google Analytics tracking, Google Analytics event, Google Ads chuyển đổi, Remarketing và nhiều thể loại mã khác bao gồm cả những mã tuỳ chỉnh (custom codes) sẽ được đặt trong các thẻ của Google Tag Manager. Một số thẻ phổ biến:
- Google Ads Conversion Tag
- Google Ads Remarketing Tag
- Facebook Pixel code
- CrazyEgg tracking code
- Inspectlet tracking code
- Custom HTML/JavaScript code
Trigger trong Google Tag Manager
Có thể hiểu là những sự kiện kích hoạt những thẻ nói trên. Một trong những Trigger phổ biến là Tải trang. Ngoài ra có rất nhiều loại Trigger khác mà bạn có thể tạo ra như Nhấn nút đặt hàng, Nhấn nút đăng ký nhận mail, Đăng ký thành công..v.v…
Google Tag Manager sẽ hoạt động như thế này: Khi một Trigger ở trên trang được kích hoạt, đoạn mã tương ứng (Tags) sẽ được thực thi.
Google Tag Manager không phải để thay thế Google Analytics. Mà nó giúp người dùng chèn mã theo dõi Google Analytics, mã sự kiện Google Analytics vào trang web. Thực thi những mã đấy khi được kích hoạt theo một quy tắc nhất định mà bạn đặt ra cho nó.
Hãy xem xét ví dụ sau:
Một trong những việc đầu tiên, đơn giản nhất và hầu như ai cũng làm nếu sử dụng Google Tag Manager và Google Analytics. Đó là cài Google Analytics qua Google Tag Manager.
Trong trường hợp này Thẻ sẽ là đoạn mã Google Analytics. Còn Trigger sẽ là Lượt xem trang:

Như vậy khi bất kỳ trang nào được tải thì sẽ kích hoạt thẻ Google Analytics, khi đoạn mã Google Analytics được kích hoạt, nó sẽ gửi thông tin về máy chủ Google Analytics.
Mọi việc đã xong!
Xem bài viết sau để biết cách làm cụ thể: Hướng dẫn cài Google Analytics qua Tag Manager
Google Tag Manager giúp bạn quản lý rất nhiều loại mã theo dõi Javascript trên website của bạn. Những mã này được định nghĩa dưới dạng các Thẻ (Tags). Mã theo dõi Google Analytics là một trong số những thẻ đó.
Google Analytics và Google Tag Manager: Tổng kết
Đọc đến đây có thể bạn đã hiểu về sự khác biệt giữa Google Analytics và Google Tag Manager. Biết rằng chúng không phải là một, và hoạt động hoàn toàn độc lập với nhau.
GA và GTM có thể được triển khai riêng biệt. Coder của bạn có thể đã chèn sẵn mã Google Analytics trên website, bạn cũng có thể tự thêm các mã khác vào Google Tag Manager, chúng không ảnh hưởng gì lẫn nhau.
Nhưng mình khuyên bạn nên chạy thông qua Google Tag Manager để quản lý cho tiện và tiết kiệm rất nhiều thời gian cho bạn sau này.
Một lưu ý nếu bạn cài đặt Mục tiêu cho trang web: điều này chỉ có thể thực hiện được trong Google Analytics, và Google Tag Manager sẽ đóng vai trò trung gian gửi những tín hiệu tương tác của người dùng. Và trong Google Analytics, bạn sẽ cài đặt các tương tác này thành những mục tiêu phù hợp với dự án đang triển khai.
Nếu bạn có bất cứ thắc mắc gì, đừng quên để lại dưới phần Comment nhé!