Hướng dẫn sử dụng Komito Analytics theo dõi sự kiện trên website

Hướng dẫn sử dụng Komito Analytics để theo dõi sự kiện trên website trong vòng 3 phút.

Theo dõi sự kiện trên trang web có lẽ đã quá quen thuộc với các bạn làm Digital Online Marketing, đặc biệt là Digital Analytics. Vì những báo cáo mặc định của Google Analytics có lẽ là không đủ để doanh nghiệp có thể đưa ra những kết luận về khách hàng của mình. Doanh nghiệp ngày càng cần phải biết nhiều hơn về hành vi của người dùng. Trải nghiệm thực tế của họ – chứ không phải những suy nghĩ chủ quan trong nội bộ từ phía công ty.

Việc sử dụng các đoạn mã, các công cụ hỗ trợ theo dõi website như Google Tag Manager để bổ sung cho kết quả báo cáo của Google Analytics là rất cần thiết.

Tuy nhiên, để sử dụng được Google Tag Manager, hoặc những đoạn mã khác, mặc dù đơn giản nhưng bắt buộc chúng ta cũng phải mất kha khá thời gian để tìm hiểu và học tập.

Nhưng hôm nay, mình sẽ giới thiệu cho các bạn một giải pháp tuyệt vời để có thể triển khai theo dõi được những sự kiện cơ bản nhất trên website, mà chỉ mất vỏn vẹn 3 phút để thực hiện. Đó chính là sử dụng Komito Analytics – tên như một loại mì ăn liền, và với tính chất siêu đơn giản của Komito Analytics thì nó đúng là một loại mì ăn liền trong giới Digital Analytics. Mình cũng vô tình biết đến Komito Analytics khi đọc bài của Benjamin Mangold trên Love Data.

#1 Komito Analytics là gì? Giới thiệu về Komito Analytics

Komito Analytics là một mã nguồn mở và miễn phí, nó tăng cường tính năng hữu ích cho các nền tảng phân tích website như Google Analytics, Adobe Analytics, Yandex Metrica… bằng cách cung cấp thêm cho chúng ta dữ liệu về hành vi, thao tác của người dùng trên website.

Toàn bộ mã nguồn của Komito Analytics được lưu trữ trên GitHub. Và dữ liệu của người dùng sẽ được đẩy trực tiếp tới máy chủ của Google Analytics, Komito Analytics sẽ không lưu bất kỳ dữ liệu nào của bạn.

Komito Analytics được xây dựng từ năm 2013 và thời kỳ ban đầu mã nguồn này được lưu trữ trên máy chủ Google Code Project cho tới khi dịch vụ này đóng cửa và các lập trình viên của Komito đã di chuyển nó sang GitHub.

Bạn có thể làm được gì khi sử dụng Komito Analytics?

Sau khi cài đặt Komito Analytics lên website, bạn có thể theo dõi được những sự kiện sau:

  1. Theo dõi số lần nhấp của các nút mạng xã hội như Facebook, Twitter, Linkedin
  2. Theo dõi số lần nhấn link download
  3. Theo dõi số lần nhấn nút gọi điện, gửi mail, tin nhắn, skype… (Track Call To Actions links)
  4. Theo dõi sự kiện gửi form (Form Submissions)
  5. Theo dõi số lần nhấn liên kết ngoài (Outbound link click)
  6. Theo dõi độ sâu cuộn trang (Tracks scroll depth)
  7. Theo dõi video Youtube, Vimeo, HTML5 trên trang web
  8. Theo dõi số lần in trang

Đối với phần lớn người sử dụng thông thường thì theo mình như vậy cũng khá là đủ. Cộng với việc cài đặt cực dễ dàng và nhanh chóng, thì thật lòng mình khuyên các bạn không có nhiều thời gian hoặc không muốn nghiên cứu sâu hơn về Google Tag Manager nên sử dụng.

#2 Cách cài đặt Komito Analytics

Trước khi cài đặt, bạn cần phải đảm bảo Google Analytics đã hoạt động trên website. Tham khảo hướng dẫn cài đặt Google Tag Manager và Google Analytics ở bước #2.2

Bạn có thể chọn một trong 3 phương án cài đặt Komito Analytics phù hợp với website của mình. Hãy đề nghị quản trị website/coder giúp đỡ khi bạn gặp bất kỳ khó khăn gì. Hoặc bạn cũng có thể tham gia cộng đồng Việt Nam Digital Analytics trên Facebook để nhận được hỗ trợ từ những thành viên khác nhé.

#2.1 Cài đặt Komito Analytics trực tiếp trên web

Chèn đoạn code sau vào trước thẻ </body> trên trang web. Bạn cũng có thể chèn ở ngay sau thẻ GTM, hoặc Google Analytics:

<script src="https://komito.net/komito.js" async></script>

<script>
// The default configuration can be omitted and only changed properties can be included.
var _komito = _komito || {
  'trackTwitter': 1,     // Tracks Twitter events if widget is presented on page.
  'trackFacebook': 1,    // Tracks Facebook events if widget is presented on page.
  'trackLinkedIn': 1,    // Tracks LinkedIn events if plugin is presented on page.
  'trackDownloads': 1,   // Tracks files download links.
  'trackOutbound': 1,    // Tracks outbound links.
  'trackForms': 1,       // Tracks forms submissions.
  'trackUsers': 1,       // Tracks pageviews by users logged in to social networks.
  'trackActions': 1,     // Tracks 'mailto', 'tel', 'sms' and 'skype' actions.
  'trackPrint': 1,       // Tracks page print actions.
  'trackOrientation': 1, // Tracks orientation change on mobile devices.
  'trackAdblock': 0,     // Tracks page views with blocked ads. (Experimental)
  'trackErrorPages': 0,  // Tracks error pages. (Experimental)
  'sendHeartbeat': 0,    // Sends heartbeat event. (Default interval 30 seconds)
  'debugMode': 0,        // Prints all requests to console.
  'trackScroll': [25, 50, 75, 100], // Tracks scroll depth.
  'trackMedia': ['html5', 'vimeo', 'youtube'], // Tracks HTML5 video, audio, Vimeo and YouTube players events.
  'nonInteraction': ['adblock', 'audio', 'form', 'heartbeat', 
                     'orientation', 'print', 'scroll', 'video'] // List of non interaction events.
};
</script>

Xem hướng dẫn trên trang của Komito Analytics.

Vậy là xong!

Giờ bạn có thể chuyển tới bước Test.

#2.2 Cài đặt Komito Analytics thông qua Google Tag Manager

Cài đặt Komito Analytics bằng Google Tag Manager là cách mình hay sử dụng nhất. Do GTM giúp mình quản lý thẻ trên trang web rất tiện lợi, dễ dàng bảo quản, tái sử dụng hoặc cài đặt từ các GTM Recipes có sẵn. GTM cũng là sản phẩm của Google tạo cảm hứng cho mình thành lập blog này.

Để cài đặt được Komito Analytics trong Google Tag Manager, bạn sẽ cần phải cài đặt Google Tag Manager và Google Analytics trước. Hãy tham khảo 2 hướng dẫn dưới đây:

  1. Hướng dẫn cài đặt Google Tag Manager
  2. Hướng dẫn cài đặt Google Analytics thông qua Google Tag Manager

Sau khi đã cài xong GTM và GA, chúng ta sẽ quay trở lại giao diện làm việc của Google Tag Manager và tiến hành tạo Thẻ HTML tuỳ chỉnh (Custom HTML) và dán đoạn mã trên vào. Chọn trình kích hoạt là Lượt xem trang – DOM sẵn sàng (Page View – DOM Ready) như sau:

Cuối cùng nhấn Lưu lại, bạn có thể bật chế độ Xem trước để kiểm tra trước khi Xuất bản.

[UPDATE] Bạn cũng có thể cài đặt nhanh chóng bằng cách sử dụng GTM Recipe sau:

Komiti Analytics Template (Click chuột phải và chọn Save Link as… để lưu file JSON)

Xem thêm: Hướng dẫn sử dụng GTM Recipes nếu bạn chưa biết GTM Recipe là gì và cách sử dụng nó.

#2.3 Sử dụng Plugin Komito Analytics cho website WordPress

Nếu website của bạn sử dụng WordPress, bạn có thể cài đặt Plugin Komito Analytics.

Bạn hãy vào phần Plugin, chọn Cài mới và tìm kiếm Komito Analytics để tiến hành cài đặt. Sau khi cài đặt xong bạn có thể kích hoạt và sử dụng.

#3 Cách tuỳ chỉnh sự kiện cần theo dõi trong Komito Analytics

Việc sử dụng Komito Analytics hết sức đơn giản, chỉ xoay quanh việt “Bật”“Tắt”. Hãy xem đoạn code sau:

  'trackLinkedIn': 0,    // Tracks LinkedIn events if plugin is presented on page.
  'trackOutbound': 1,    // Tracks outbound links.

Cụ thể số 1 có nghĩa là Bật tính năng, số 0 tương ứng với Tắt. Như ở đoạn code trên, mình đã tắt tính năng theo dõi người dùng nhấn vào liên kết tới LinkedIn, và bật tính năng theo dõi liên kết ngoài (Track Out bound links).

#4 Kiểm tra Komito Analytics đã hoạt động chưa

Sau khi đã cài đặt Komito Analytics, truy cập vào Google Analytics, đi đến mục Thời gian thực (Realtime), chọn báo cáo Sự kiện. Đồng thời hãy truy cập vào website bằng một tab khác, thử cuộn chuột, hay play video thử xem.

Nếu mọi thứ đều ổn, bạn sẽ nhìn thấy những sự kiện này đã được chuyền tới Google Analytics như sau:

Kết luận

Việc cài đặt và sử dụng Komito Analytics rất đơn giản. Bên cạnh đó, danh mục những sự kiện theo dõi được của Komito Analytics cũng khá là “đủ đầy”. Komito Analytics dễ dùng kể cả bạn không biết gì về code.

Cá nhân mình thấy nó rất phù hợp với những website, dự án nhỏ không đòi hỏi những theo dõi đặc thù. Bạn có thể triển khai nó cho khách hàng một cách nhanh chóng bằng Plugin, GTM Recipe như một món quà tặng đầy ý nghĩa.

Điểm yếu của Komito Analytics là bạn không thể thay đổi tên của các sự kiện. Đối với những người dùng Google Analytics chuyên nghiệp thì chắc hẳn theo dõi sự kiện bằng Google Tag Manager là lựa chọn chính xác hơn.

Ngoài ra, sự kiện theo dõi Form có thể sẽ không hoạt động trên tất cả các Form của bạn. Hãy kiểm tra kỹ trước một số Form đặc thù nhé.

Bạn cũng có thể đọc thêm hướng dẫn Theo dõi chuyển đổi Contact Form 7. Trong bài viết đó, mình đã sử dụng Trình kích hoạt lắng nghe sự kiện DOM của Contact Form 7 để thẻ được kích hoạt một cách chính xác nhất.

Cuối cùng, bỏ qua một số ít những nhược điểm trên, thì Komito Analytics xứng đáng là một tính năng mở rộng hữu ích cho Google Analytics.

Chúc các bạn cài đặt và sử dụng thành công!

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Scroll to Top